Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

50 món đặc sản ngon nhất Việt Nam (phần 3)

14. Bún chả (Hà Nội):

Bún chả là một món ăn không đòi hỏi sự cầu kỳ gồm: chả viên và chả miếng.

Chả làm từ thịt ba chỉ (ba rọi) và loại thịt nạc vai mềm ướp cùng với nước mắm, tiêu, hành khô. Nước chấm pha chế đơn giản với yêu cầu phải đạt được sự kết hợp hài hòa giữa vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường, chua của giấm, và cay của ớt, tỏi, thêm đu đủ, cà rốt giòn, chua. Rau ăn bún chả là các loại rau sống mang đậm hương vị của xứ Bắc như: xà lách, kinh giới, tía tô, húng lủi, húng láng, húng quế.

15. Phở chua (Lạng Sơn):

Phở chua được xem là “khúc biến tấu” của người Lạng Sơn. Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước.

Dĩa phở chua sẽ được xếp lần lượt: bánh phở, xá xíu, dưa chuột rồi rưới nước đủ vừa phải. Tiếp đó sẽ là lạc rang, khoai lang chiên, hành khô để lên trên. Khi ăn, thực khách có thể trộn đều hoặc không. Món ăn này là món theo kiểu “hàn thực” nên rất thích hợp ăn vào mùa nóng. Tuy nhiên, nếu ăn vào mùa lạnh, thì bánh phở và nước đủ sẽ được hâm nóng trước khi đem ra cho khách.

16 Bánh cuốn thịt nướng Phủ Lý (Hà Nam):

Bánh cuốn Phủ Lý được tráng hơi dày, ít nhân và không thoa mỡ.

Thịt ăn kèm với bánh cuốn được chế biến từ thịt lợn thái mỏng, ướp gia vị, xiên vào que nướng trên than hoa. Nước chấm được pha chế khéo léo rồi đun nóng. Bánh còn được ăn cùng với dưa góp đu đủ, rau thơm, rau sống các loại.

17. Chắt chắt (Quảng Bình):

Chắt chắt giống như con hến nhưng nhỏ hơn. Để lấy thịt chăt chắt, trước tiên xát rửa thật sạch, bắc nước thật sôi rồi đổ chắt chắt vào, dùng đũa đánh đều để ruột tách ra khỏi vỏ, rồi đem đãi (như đãi gạo vậy) lấy ruột. Riêng nước luộc để thật lắng, lọc đem nấu canh hoặc nấu cháo.


Thường thì chắt chắt nấu canh với mít non, rau lốt. Ngoài nấu canh, nấu cháo có thể chế biến chắt chắt thành món xào cũng rất tuyệt.


18. Bánh khoái Huế:

Bánh là sự hòa trộn màu sắc. Đó là màu vàng ươm của lớp vỏ bánh có pha chút bột nghệ, màu trắng nõn nà của những cọng giá căng tròn, màu đỏ au của tôm, màu nâu xám của nấm tươi. Món ăn còn pha giữa màu ngà của mấy lát thịt lợn ba chỉ hoặc thịt băm, màu vàng tươi của trứng gà, xanh của những lá hành hương. Tất cả gói gọn trong một chiếc bánh hình tròn vừa bằng cái đĩa nhỏ, khi ăn thì kèm thêm rau sống.


Nước lèo chấm bánh khoái được làm từ nguyên liệu chính là tương đậu nành. Mùi vị của bát nước lèo trong món bánh khoái có người cho là chiếm hết 50% cái ngon của món ăn. Đó là sự kết hợp vị mặn của tương, vị béo của gan neo băm nhuyễn, vị ngọt của đường, vị bùi của đậu phụng rang giã nhỏ...


19. Món don (Quảng Ngãi):

Don là một trong những món ăn rất độc đáo, mát, bổ, rẻ tiền và hấp dẫn. Don thuộc họ nhà hến, thân bọc bằng hai nửa vỏ úp nhau nhưng don nhỏ hơn hến.

Những món ăn ngon được chế biến từ don như canh don, cháo don, gỏi don. Cách ăn ngon và tốn kém hơn là làm món “ruột don xào” với miến, bún, bánh tráng… Đây cũng là món ăn đãi khách, bạn bè rất đặc biệt, đậm đà hương vị quê hương.

20. Gà nướng KonPlông (Kon Tum):


Đây là loại gà được nuôi ở trong bản. Để làm món nướng, gà được làm sạch sau đó mổ moi (ở phao câu) rồi dùng cây xiên từ hậu môn lên đầu, cho sả (đập dập), lá chanh vào trong bụng, khâu lại. Sau đó quết hành phi, xì dầu bên ngoài con gà rồi nướng trên bếp than. Vừa nướng vừa tiếp tục quết hành phi, xì dầu lên.

Khi ăn, xé gà ra từng miếng và chấm với muối ớt. Món gà nướng đẫm vị hơn khi được nhấm nháp bên ché rượu cần nồng đượm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét