Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Món ăn ngon Thanh Hóa-Phần 1

Một lần đặt chân đến Thanh Hoá mà không được thưởng thức các đặc sản nơi đây thì du khách chắc hẳn không khỏi tiếc nuối khi ra về. Các món ăn từ dân dã như nem chua, bánh răng bừa đến các món hải sản như gỏi cá nhệch, hay rượu nếp Nga Sơn vẫn luôn là những món ăn ngon thanh hóa làm say lòng du khách khi tới vùng đất Thanh Hoá.

1.   Nem chua- món ăn ngon thanh hóa được nhiều người yêu thích

Người xứ Thanh luôn tự hào mỗi khi nhắc đến đặc sản quê mình. Với họ nem chua là món ăn không thể thiếu trong các ngày lễ tết, đặc biệt mỗi khi có chuyến đi xa kiểu gì người xứ Thanh cũng cố gói ghém trăm nem làm quà cho người thân, bạn bè.
Nem chua là món ăn sử dụng thịt heo, lợi dụng sự lên men của lá (lá ổi, lá sung, lá đinh lăng...) và thính gạo để ủ chín, thường có vị chua. 
Nem chua ở mỗi vùng đều có hương vị riêng, như nem chua Thanh Hóa, Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (TP.HCM), Lai Vung (Đồng Tháp)...
Nem chua xứng đáng là món ăn ngon Thanh Hóa là loại nem có độ lên men vừa đủ tạo độ chua rôm rốp, nem phải chắc, khi ăn có độ giòn, ngọt, thơm, cay đậm đà, màu sắc phải tươi… Nhiều người khi biết nem được làm từ thịt sống thường e ngại, không dám ăn. Nhưng nếu có dịp tìm hiểu về cách làm nem nơi đây, bạn sẽ thấy nem được chế biến qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu cho tới khi đóng gói sản phẩm. 

Nguyên liệu chính để làm nên món Nem là thịt và bì heo. Chọn thịt heo để làm nem phải là loại thịt nóng, nghĩa là khi heo vừa mới xẻ thịt thì người thợ làm nem phải thái, xay, chế biến ngay. Bởi nếu thịt nguội, nem sẽ không có độ bóng cũng như sự kết dính trong quá trình lên men. Còn bì heo cũng phải chọn rất kỹ. Con heo lấy bì phải là heo cạo chín, nghĩa là làm bằng nước sôi. Có như thế lông mới sạch và khi chế biến sẽ đỡ tốn thời gian.
Sau khi nguyên liệu chính là thịt và bì đã xong, người thợ sẽ trộn hai hỗn hợp này với thính gạo, muối, bột ngọt, đường, thêm chút nước mắm cho thơm, rồi gói.
Mỗi một chiếc nem được người gói cho kèm thêm chút tỏi, lá đinh lăng, ớt, những phụ gia này có tác dụng làm cho hương vị nem trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn và cũng là để cân bằng giữa lạnh (nem chua) với nóng (lá đinh lăng, ớt). 
Loại lá chuối đem gói nem phải là lá chuối ngự vừa xanh vừa dày, để bảo đảm trong quá trình vận chuyển và lưu giữ nem tiếp tục lên men. Để bảo quản được dài ngày, người thợ thường bọc giấy bóng thêm bên trong nem. Thông thường nem gói sau 3 ngày là chín, có thể dùng được. 
Khi ta bóc lớp lá chuối màu xanh ở ngoài, đã thấy lộ ra màu hồng của thịt, màu trắng của sợi bì, màu đỏ của ớt và thưởng thức sẽ gặp vị chua thanh của thịt, dai giòn của sợi bì, cay của ớt, thơm của tỏi, chát ngọt của đinh lăng - hương vị rất riêng mà không phải nem chua nơi nào cũng có.
Không biết với các bạn thì thế nào, nhưng với tôi Nem chua là món ăn ngon Thanh Hoá đầu tiên mà tôi nhớ đến mỗi khi đi uống bia cùng bạn bè, hay trong những bữa cỗ đông vui.

2. Gỏi cá  nhệch Nga Sơn - Thanh Hóa

Món ăn bổ dưỡng, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và ít béo với nhiều sự lựa chọn khác nhau sẽ luôn là sự lựa chọn cho những ai muốn thưởng thức một món ăn có hương vị lạ, vừa ngon và hấp dẫn. Món ăn ngon Thanh Hoá kỳ này xin giới thiệu tới các bạn món Gỏi cá nhệch, một trong những đặc sản có vị béo, ngọt, bùi, nồng. Đây là món ăn ngon, khoái khẩu của rất nhiều người.
Xuất xứ là một món ăn nổi tiếng tại vùng biển Nga Sơn, Thanh Hóa, nơi vùng khoáng chất của nước biển phù hợp với điều kiện sống đặc biệt của cá nhệch. Đây là một loài hải sản sống hoàn toàn tự nhiên, có màu sắc và hình dáng tựa như lươn nước ngọt nhưng dài hơn một chút. Chúng thường vùi mình trong cát, khi nước triều xuống để lại dấu vết, gọi là các hút. Cá nhệch dùng làm gỏi ngon vì xương mềm, thịt giòn mịn và ngọt, có thể chế biến thành nhiều món như: kho, rán, nấu canh… nhưng làm gỏi vẫn là món ăn ngon ưa chuộng và độc đáo.
Chế biến gỏi nhệch là một nghệ thuật, mà cách ăn gỏi nhệch cũng là một nghệ thuật tỉ mỉ không kém. Sau khi bắt cá về, làm sạch lột sạch da, lọc xương. Thịt cá sẽ được thái lát mỏng ướp với nước riềng và tẩm ướpgia vị theo công thức đặc biệt, sau đó trộn với thính. Thính được làm từ gạo nếp rang giã nhỏ mới có mùi thơm và bùi. Khâu lột da và thái thịt cá để trộn thính cần phải làm nhanh tay và hoàn toàn làm khô, không được để dính nước, bởi khâu này quyết định món gỏi cá có thành công hay không.
Món gỏi nhệch ngon một phần nhờ nước chấm. Chế biến món chẻo là một bí quyểt gia truyền vì rất cầu kỳ và công phu, nếu không biết chế biến thì chẻo sẽ bị tanh và khô, chẻo ngon phải có màu đỏ sậm, đặc sánh, thơm mùi gia vị, nước chẻo bám đều vào thịt cá.

Món gỏi nhệch được hoàn tất và bày ra mâm chỉ đợi người thưởng thức. Gỏi được ăn kèm với bánh đa vừng, hoặc cơm cháy, cùng khoảng 15 loại rau và lá thuốc kết hợp tạo nên hương vị riêng của món như: lá vọng cách, cúc tần, riếp cá, mùi tàu, đinh lăng, xương xông, lộc vừng, rau húng... cuốn cùng gỏi nhệch.
Lần đầu ăn Gỏi cá nhệch, tôi cũng ngại cái vị tanh tanh của các, và sợ vị nó còn sống, nhưng đến khi đưa miếng gỏi vào miệng, bạn sẽ thấy một mùi vị thơm ngon đặc trưng. Gỏi có vị bùi, thơm, mát, cay của rau; rồi đến vị ngọt, béo, bùi ngậy của chẻo; vị mằn mặn vừa phải của mắm tôm, cay nồng, thơm, nóng của riềng, của ớt, của sả. Ngoài ra, món còn có sự kết hợp của vị bánh đa bùi giòn tan và cuối cùng là vị ngọt, dai mà giòn giòn của nhệch. Tôi khuyên bạn không nên bỏ qua một món ăn ngon của Thanh Hoá như thế này.

3. Chả tôm Thanh Hóa

Chả tôm tuy là món ăn  dân dã, nhưng cũng chính cái dân dã đó lại gây nhung nhớ cho những người con xa quê. Để làm món độc đáo này đầu tiên phải có tôm.
Khác với những món chả khác, được chiên hay hấp thì chả tôm lại được cuốn trong một lớp bánh phở dày và kẹp bằng nẹp tre rồi đem nướng trên bếp than củi hồng, phải thật khéo léo và cẩn thận khi nướng để chả chín đều từ trong ra ngoài. 

Món ăn này ngon và đặc biệt hơn cả có lẽ là cho bánh phở cắt nhỏ đem giã chung vào với hỗn hợp trên. Xong công đoạn này là hoàn thành xong phần nhân chả. Mẹ tôi nói muốn cho nhân chả có màu đẹp thì khi giã nhân phải cho thêm một ít thịt của quả gấc vào.
Chả có màu vàng đậm, lớp bánh phở bên ngoài được mỡ của lớp nhân bên trong chiết ra, vì vậy không bị khô, lại giòn tan nữa! Để chả tôm có sức hấp dẫn lôi cuốn đến như vậy thì phải kể đến nước chấm ăn kèm cũng đặc biệt, rất riêng không nơi nào có.
Đu đủ thái mỏng, sung chát bổ đôi, ớt bột, ớt tươi, dấm chua, đường, mì chính (bột ngọt), nước mắm cốt pha loãng kết hợp hài hòa với nhau tạo nên một thức chấm tuyệt vời để ăn cùng với chả tôm, thành “cặp đôi hoàn hảo”.
Rau ăn kèm cũng đa dạng, phong phú: rau má, húng dổi, hoa chuối, mùi tàu, tía tô, diếp cá, lá sung.

4. Rượu nếp Nga Sơn

Thanh Hóa được biết đến với nhiều loại rượu nếp ngon như nếp cẩm Cẩm Thủy, rượu nếp cái hoa vàng, rượu tăm làng Quảng, rượu cần Bá Thước… nhưng  rượu nếp ngon, nổi tiếng làm say lòng du khách vẫn  là rượu nếp Nga Sơn.

Chỉ cần nhấp một giọt, du khách sẽ cảm nhận  được vị thơm dịu của mùi nếp mới, vị cay cay, ngọt ngọt nơi cuống họng, hơi ấm lan tỏa dần dần tới mọi huyết mạch cơ thể… Đó chính là  hương vị độc đáo của rượu nếp Nga Sơn. Đến quê hương của quả dưa đỏ, khi trở về du khách đừng quên mang theo rượu nếp Nga Sơn về làm quà cho bạn bè và người thân.
Trên đây là những món ăn ngon Thanh Hoá mà bản thân tôi đã thưởng thức và có thể nói là nhớ mãi không quên. Nếu quý vị có lần đặt chân đến vùng đất xứ Thanh này, hãy cố gắng thưởng thức nhé, nếu không tôi tin bạn sẽ phải tiếc đấy.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét